VỀ THIỀN 1

Về  Thiền 1

 

Học hỏi, tham thiền, phụng sự được xem là công thức đáng áp dụng trong việc luyện kim tinh thần. Trong cách huấn luyện huyền bí, đường lối chung là gieo cho ai đi tìm chân lý một tư tưởng chính nào đó, rồi để anh nghiền ngẫm trong thinh lặng. Nếu thành tâm anh sẽ khám phá nhiều con đường dẫn tới hiểu biết, và những suy nghiệm này có giá trị chân thực, trở thành minh triết của chính anh. Điều chi sinh ra từ nỗ lực tột cùng, gay go tìm kiếm mới đạt được, sẽ mãi mãi là sở hữu của người muốn học hỏi, không hề bị lãng quên so với giòng chữ mà họ đọc trên trang giấy, hay lời thầy được kính cẩn lắng nghe, cho dù đó là bậc đáng quí trọng ra sao đi nữa.
Một ý niệm ít được chú ý khi ngưới ta hăng hái khởi sự học đạo và tham thiền, nói rằng mục tiêu trước mặt của anh không phải là sự phát triển cá nhân, mà là trang bị cho anh phụng sự nhân loại. Sự tăng trưởng và phát triển của riêng anh là điều cần thiết và sẽ tới, nhưng nó không phải là mục tiêu. Môi trường anh đang sống hiện giờ, và những ai thân cận với anh ở cõi trần là đối tượng cho anh phụng sự. Nếu vì cố công hầu đạt tới một số khả năng mà anh làm ngơ những nhóm có liên hệ, bỏ bê không phục vụ chúng một cách khôn ngoan, trung thành, thì anh có thể gặp nguy hại là tư tưởng hóa kết tinh thiếu sức sống, sinh lòng cao ngạo và không chừng đi lầm đường. Bao lâu mà sự tăng trưởng nội tâm không được thể hiện ra ngoài, bằng hoạt động phụng sự nhóm thì con người đang đi trên đường hiểm nguy.
Ta hoạt động trong ba cõi: vật chất, tình cảm và trí tuệ, thì ta cũng thuộc về các nhóm ở ba cõi. Chúng có nhiều và đa dạng, tùy theo giai đoạn trong đời người mà chúng có thể thay đổi khác nhau, khi ta trang trải nhân quả của dây liên hệ. Ta cũng nên nhớ rằng khi một ai gia tăng khả năng phụng sự thì cùng lúc, họ cũng tăng thêm kích thước và con số những nhóm mà họ tiếp xúc, tới một lúc trong kiếp về sau, họ tiếp xúc với cả thế giới và phụng sự hằng tỉ ngưới trên đó.
Có lẽ hãy dừng nơi đây để nói một chút về tính cách bao trùm này và hào quang con người. Dấu hiệu của sự tiến hóa tâm linh là tâm thức mở rộng và bao trùm, đường kính của nó càng ngày càng lớn, và ảnh hưởng càng lúc càng xa. Hình ảnh cụ thể diễn tả rất sát thực ý này là hào quang những đấng cao cả. Ta nghe nói hào quang của vị La hán tỏa rộng thế nào, hào quang của đức Phật lan xa nhiều cây số, và tâm thức của vị Hành Tinh Thượng Đế hay ông Trời theo lối nói dân gian bao khắp địa cầu, không một sợi tóc rụng trên đầu của ta hay con chim rơi xuống mà ngài không hay biết. Dĩ nhiên đây chỉ là cách mô tả thi vị cái chân lý nói rằng Thượng Đế toàn thông, toàn tri, nhưng nó cũng có thể được dùng để phân biệt chánh đạo và tà đạo. Chánh đạo có sự dung nhập, khoan hòa, chứa đựng tất cả, còn tà đạo chủ trương chia rẽ, phân cách.
Trở lại việc phụng sự thì con người được đòi hỏi làm việc theo ba cách trước khi tiến bước thêm. Ấy là:
● Phụng sự bằng hành động, bằng cách dùng trí thông minh, những khả năng cao của trí tuệ và tài năng của mình để trợ giúp ngưới khác. Anh phát triển từ từ những khả năng mạnh mẽ của trí não, và khi làm vậy vượt qua được tính kiêu căng. Người bạn dâng hiến cái trí tuệ linh hoạt ấy cho nhân loại nói chung, cố công hết sức mình cho sự tiến bô của con người. Thành Gandhi là thí dụ cho đường lối này.
● Phụng sự bằng tình thương, bằng cách ấy theo với thời gian anh trở thành một trong những ngưới cứu đời, dành đời mình và trao tặng tất cả con người của mình vì tình thương kẻ khác. Sẽ tới một kiếp anh có sự hy sinh tột cùng là chết cho ngưới khác được sống. Thí dụ rõ rệt nhất là ngưới lính trong lúc chiến tranh.
● Phụng sự bằng quyền lực. Khi chứng tỏ được là mình không còn tư tưởng nào khác, ngoài sự tốt lành cho mọi ngưới chung quanh, biểu  lộ tình thương một cách thông minh, anh được giao phó một số quyền lực. Anh làm việc với luật trời, dùng ý chí của mình thể hiện luật trong ba cõi.
Như thế ta thấy rằng trong cả ba đường lối phụng sự, điều quan trọng rất mực là khả năng làm việc với nhóm. Nói rộng ra ý muốn được tự do, tách lìa, giải thoát khỏi hệ lụy ràng buộc trong đời với kẻ khác chỉ là ảo tưởng. Cách nhìn đó hướng ra bên ngoài, còn tự do đích thực thì cảm nhận được từ bên trong, và là tự do không còn bị tình cảm chi phối.
Nói về nhóm, chúng thay đổi theo những cõi khác nhau. Cho cõi trần thì ta có thể kể:
1-  Gia đình mà ta thuộc về. Thường thường có hai lý do vì sao ta sinh vào dòng họ nào. Một là để hóa giải karma và trang trải nợ còn thiếu, hai là để nhận một loại thân xác mà Chân nhân cần, hầu được biểu lộ đầy đủ.
2- Vòng thân hữu, xã giao. Thí dụ như ngưới cùng trong môi trường sinh hoạt của anh, hiệp hội, chùa, nhà thờ, bạn đạo, bạn thân và bạn sơ giao, những ai anh chỉ gặp gỡ thoáng qua rồi ai đi đường nấy và mất luôn tăm tích nhau. Việc anh được tiếp xúc với những ngưới trên cũng có hai lý do, thứ nhất là để trả lại món nợ nếu có, thứ hai là thử nghiệm khả năng của anh ảnh hưởng việc lành trên những ai bao quanh, khả năng ý thức trách nhiệm để hướng dẫn hay giúp đỡ. Khi đặt để ai vào cảnh ngộ như vậy, những đấng cao cả xem xét hành động và phản ứng của họ, khả năng phụng sự vá đáp ứng của họ với nhu cầu chung quanh.
Ý thức này cho ra câu đáp về thắc mắc hay được đặt ra, đó là nếu nhân quả là luật trời và ta không nên can dự vào nhân quả của ai, thì có nên bố thí hay cứu ngưới bị chìm trên biển chăng ? vì biết đâu đó là nhân quả của họ và cứu họ là vi phạm luật trời ? Sự việc có hai điều, một là ta không biết họ có nhân quả ấy hay không. Hai là sự kiện ta hiện diện nơi ấy không phải là may rủi, tình cờ mà có lý do là để trợ giúp.
Ta cũng có thể nói thêm, nếu cho rằng việc này hay chuyện kia là nhân quả của một ai, thì nó muốn nói là ta rành rẽ nhân quả của người khác. Có lẽ phải rất cẩn thận trước khi xác quyết như thế.
3-  Bạn đồng sự. Đây là những ngưới được mang lại với nhau cho công việc chung có tính huyền bí và tâm linh. Nó có thể là nhóm ngưới làm công quả trên chùa, nhà thờ, là nhóm công tác xã hội như phong trào lao động hay sinh hoạt khác có nét chính trị. Nó cũng có thể là phong trào tiền phong trên thế giới, thí dụ Hội Theosophia, hay tổ chức nào nhắm đến việc cải thiện đời sống con người. Có nhiều nhóm thuộc loại này, trong đó phải kể luôn những nhóm cực đoan, có thành tâm trong ý nguyện là tạo sự tốt lành cho tập thể, nhưng hung bạo khi mù quáng tuân theo ngưới lãnh đạo, như thấy ở nước cộng sản.
Ta thuộc về ba nhóm này, có bổn phận với nhóm và phải thực hiện phần việc của mình. Bao lâu mà nhân quả còn đặt để ta vào một nhóm nào đó, thì mục tiêu ta phải nhắm tới là làm chuyện của mình cho toàn vẹn để hóa giải karma, và tiến đến việc giải thoát sau cùng. Bên cạnh đó ta còn phải nâng nhóm lên một trình độ cao hơn và hữu dụng hơn. Như thế nếu tham thiền bằng cách thức không hợp khiến một ai lãng quên trách vụ chính đáng của mình, thì họ làm trì hoãn mục tiêu của kiếp sống này, và phải thực hiện nó trong một kiếp khác.
Laấy thí dụ một ngưới được đặt vào nhóm gồm nhiều ngưới sùng tín, sự hiện diện của anh có mục đích rõ rệt là làm quân bình tính chất này. Nếu anh để cho mình bị hình tư tưởng của nhóm khuất phục, và trở nên sùng tín như ngưới chung quanh, theo lối tham thiền đầy tính sùng mộ, và quên mất việc tạo quân bình cho nhóm, anh có thể gây nguy hại chẳng những cho nhóm mà cả cho anh.
Nguy hại xẩy ra vì bên cạnh nhân quả cá nhân còn có nhân quả nhóm, nhân quả quốc giaa v.v. Khi ta gia nhập một nhóm, tổ chức, hay sinh ra trong một quốc gia thì ta tạo phần karma cho nhóm ấy, và đồng thời chia sẻ, trang trải karma của nó, lành và không lành. Ra ngoài để một chút thì lý do khiến ai đó tách rời khỏi nhóm, có thể là vì nhân quả của họ không phải là loại trang trải được qua hoạt động của nhóm lúc bấy giờ. Mỗi giai đoạn phát triển của nhóm tạo cơ hội tăng trưởng cho một loại linh hồn nào đó, và khi nhóm có thay đổi hoạt động (của hội Theosophia, phong trào v.v.), thì ai không có nhân quả liên hệ sẽ rời bỏ đi.
Ở đây ta đưa ra thí dụ về cung bẩy mà thí dụ cũng có thể thấy trong bất cứ cung nào. Người thuộc cung bẩy hay cung nghi lễ ,có khuynh hướng kiếp này rồi kiếp kia bị lôi cuốn vào nhóm có sinh hoạt nặng về nghi lễ. Lý do một phần là có thúc đẩy cho họ thành công trong huyền thuật nhóm (thí dụ nghi lễ cầu khấn) có tính xả kỷ, phần khác là cảm nhận vô thức về thất bại đã có khi trước. Hoạt động chính của một nhóm mà thành viên chưa học được cách làm chủ ham muốn tình cảm của mình, hay những lực do nghi lễ gợi nện, sẽ sinh ra một loại nhân quả tinh tế, và chỉ có thể quân bằng qua nhóm. Vì vậy linh hồn tự động bị thu hút vào những sinh hoạt nào cho họ co hội để lập lại khuynh hướng xưa và thành đạt, hay chữa lại sai lầm cũ.
Những việc này liên quan gì đến nhóm ? Nó được đưa ra để gợi ý rằng kết quả đúng đắn của thiền là một sự sống phong phú, nhậy cảm, đáp ứng tích cực hơn về những diễn biến trong đời thường nhật, mà không phải mơ màng trong cõi xa vời, sống nửa thực nửa mộng, ao ước suông. Khi có điều sau thì cần xét lại việc tập thền của mình.
Theo:
- A Treatice on Magic, A.A. Bailey
- Adepts of the Five Elements, David Arias

Xem Bài Liên Quan